VCEA đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Hãy liên lạc với chúng tôi về Chứng chỉ Năng Lượng Tái Tạo (REC)

VCEA đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
23/08

VCEA đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam (VCEA) đã tổ chức buổi họp tham vấn chính sách với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) về hiện trạng thị trường NLTT và đề xuất các kiến nghị cụ thể để thúc đẩy phát triển NLTT bền vững, nhằm đóng góp ý kiến với các cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách năng lượng quốc gia.

Cụ thể, về cơ chế phát triển điện mặt trời: VCEA ủng hộ sự chuyển đổi từ cơ chế giá FiT (feed-in-tariff) sang đấu thầu cạnh tranh và DPPA. Tuy nhiên, quá trình triển khai cần sớm có lộ trình cụ thể, chi tiết hóa để phù hợp với khung pháp lý và hiện trạng thị trường ở Việt Nam.

 VCEA đề xuất, với điện mặt trời nối lưới: dự án điện mặt trời nối lưới đã được bổ sung quy hoạch cần có giá mua phù hợp để duy trì sự ổn định và đảm bảo uy tín thu hút vốn đầu tư của tư nhân; 02 dự án đã COD và 06 dự án đã ký PPA trước ngày 22/11/2019 là các dự án đã và đang triển khai thi công xây dựng cần có cơ chế giá điện phù hợp đảm bảo hiệu quả kinh tế và uy tín chính sách. Thời hạn COD đối với các dự án này nên để đến 30/06/2021 vì quy trình đặt hàng ở các hãng sản xuất tấm pin cần có thời gian, việc giãn thời gian sẽ tăng hiệu quả đầu tư của dự án.

Ưu tiên triển khai các dự án điện mặt trời nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%, ở các tỉnh có hệ thống lưới điện còn dư công suất truyền tải.

Công bố và cập nhật công khai thông tin về hệ thống lưới truyền tải, yêu cầu kỹ thuật cũng như khả năng đấu nối tiếp nhận nguồn điện từ NLTT.

Ưu tiên tổ chức đấu thầu đợt 1 cho các dự án đã bổ sung quy hoạch, cơ chế đấu thầu cần rõ ràng minh bạch, phù hợp Luật đầu tư và Luật đấu thầu.

VCEA đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển NLTT. (Ảnh minh họa)

Với điện mặt trời trên mái nhà: để tăng hiệu quả đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà ở các khu công nghiệp, đề nghị bỏ mức trần khống chế công suất 1MW. Nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phối hợp với đơn vị điện lực thỏa thuận không vượt quá công suất dư của hệ thống truyền tải và công suất trạm biến áp. Duy trì giá FiT 9,35Uscent/kWh hoặc giảm tối đa không quá 10% trong 2 năm tiếp theo nhằm đảm bảo sự ổn định, tin cậy của thị trường và tối đa hóa lợi ích chung của xã hội.

Đối với hệ thống điện mặt trời trên mái nhà ở các hộ gia đình, đề xuất giữ giá 9,35Uscent/kWh cho các hệ thống công suất <=100kW, để khu vực dân cư và các văn phòng, tòa nhà có thể đầu tư hệ thống điện mặt trời nhằm giảm áp lực lưới truyền tải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Chỉ bán điện cho EVN nếu dư công suất. Xét yếu tố tài chính ở các dự án này, công suất nhỏ chi phí đầu tư lớn hơn từ 15 - 25% nên nếu giá điện thấp sẽ không đủ hấp dẫn chủ đầu tư tư nhân do vậy cần được khuyến khích ưu tiên giá FiT cao hơn.

Xây dựng khung pháp lý, bộ quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể làm căn cứ thúc đẩy thị trường mịnh bạch, cạnh tranh, đảm bảo chất lượng kỹ thuật từ khâu lắp đặt, vận hành, bảo trì hệ thống. Khung pháp lý tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể sẽ là cơ sở phát triển thị trường bảo hiểm công trình.

Về đấu thầu thí điểm dự án điện mặt trời, VCEA đề xuất, quá trình tổ chức thí điểm nên được thực hiện ở ba loại hình: điện mặt trời nổi, điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời trên mái. Trên cơ sở kết quả đấu thầu của từng loại hình rút kinh nghiệm để đưa vào hồ sơ yêu cầu kỹ thuật đấu thầu cho xác đáng. Thiết kế áp dụng thí điểm đấu thầu nên hướng đến việc: lựa chọn chủ đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời nối lưới có quy mô công suất lớn và đã bổ sung quy hoạch, lựa chọn dự án điện mặt trời theo khu vực phù hợp với năng lực lưới điện.

Về hệ thống truyền tải, theo VCEA, các cơ quan quản lý nên công khai minh bạch, cụ thể hóa kế hoạch nâng cấp, xây mới hệ thống đường dây và trạm truyền tải đảm bảo vận hành tối ưu các nhà máy điện gió, mặt trời đã được đầu tư.

Bên cạnh đó, VCEA cho rằng, điện gió ngoài khơi có tiềm năng lớn nhưng cần sớm có quy hoạch không gian biển cũng như cơ sở hạ tầng phù hợp. Các công nghệ mới có thể giải quyết được tính không ổn định của điện gió. Công suất điện gió trên bờ có thể đạt 12 – 15 GW và 10 – 12 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, quy định tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.

Theo VCEA, giá mua điện gió hiện nay 8,5 Uscent/kW không quá hấp dẫn. Vì thế, đề xuất gia hạn giá FiT cho điện gió đến ngày 01/11/2022.

VCEA cũng ủng hộ việc Bộ Công Thương công khai minh bạch cơ chế điều chỉnh bổ sung quy hoạch của dự án điện gió. Đề xuất cơ chế đấu thầu điện gió gần bờ và ngoài khơi để khai thác, phát triển nguồn năng lượng gió biển.

VCEA cũng kiến nghị hình thành cơ chế về Tiêu chuẩn NLTT quốc gia (RPS) để thiết lập thị trường mua bán Chứng chỉ NLTT (REC), tạo nguồn thu cho các doanh nghiệp NLTT. Về tài chính: cần có khung lãi suất ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển các dự án năng lượng sạch.

Theo VCEA, Luật NLTT cần được xem xét ban hành nhằm có được khung pháp lý cơ sở đảm bảo vận hành thị trường điện NLTT bền vững.

Nguồn: Năng lượng sạch Việt Nam

$js->setJs("./https://www.google.com/recaptcha/api.js?render=6LdHX3QlAAAAAMX_uWG7G9sWGUbiK1trwmHaQxmz");